* Thông tin đăng ký sẽ được bảo mật, tư vấn sẽ liên hệ trong 24h để gửi chương trình học.
* Thông tin đăng ký sẽ được bảo mật, tư vấn sẽ liên hệ trong 24h để gửi chương trình học.
Nguyễn Quốc Anh là học sinh lớp 12 chuyên văn Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang). Quốc Anh có nguyện vọng vào ngành sư phạm ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Quốc Anh cũng là thành viên đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn ngữ văn sẽ dự thi vào cuối tháng 12 này.
Trước nay Quốc Anh dành phần lớn thời gian trong ngày để ôn thi học sinh giỏi nên bạn đặt mục tiêu vào đại học bằng phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.
Tuy nhiên trường hợp trường đại học chỉ có 20% chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, Quốc Anh cảm thấy nếu “all-in” (cược tất cả – PV) vào hai phương thức kia sẽ không chắc chắn. Quốc Anh trở lại ôn thi tốt nghiệp THPT và ôn thêm thi đánh giá năng lực dù vẫn chưa kết thúc đợt thi học sinh giỏi quốc gia.
Quốc Anh đã ngồi lại sắp xếp toàn bộ thời gian biểu, dành hầu hết cả tuần cho chuyện học. Sáng và chiều từ thứ hai đến thứ bảy, Quốc Anh học đội tuyển ở trường.
Mỗi tối thứ hai đến chủ nhật, bạn xách cặp học thêm, chia đều cho các môn ngữ văn, lịch sử và địa lý. Sắp tới Quốc Anh sẽ phải tìm nơi học thêm môn toán.
Hiện tại mỗi tháng Quốc Anh chi gần 1,5 triệu đồng cho học thêm. Nhưng điều làm bạn trăn trở nhất không phải là học phí mà là phải cân bằng giữa ôn thi học sinh giỏi và các kỳ thi quan trọng khác trong năm lớp 12.
“Do không có thời gian nên ở trường và học thêm mình tập trung cao độ để học các môn thi THPT. Khi về nhà, mỗi tối mình dành toàn thời gian để ôn thi đội tuyển”, Quốc Anh kể.
ThS Cù Xuân Tiến – trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên, Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) – thông cảm với một số lo lắng của nhiều học sinh.
Tuy nhiên ông khuyên các bạn trước hết nên giữ bình tĩnh và chờ đợi quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT.
Hiện tại quy chế vẫn đang còn là dự thảo và đang được lấy ý kiến. Sau khi có quy chế chính thức, học sinh có thể cân nhắc điều chỉnh kế hoạch học tập và xét tuyển phù hợp.
Ông Tiến cho biết thêm những ngày qua, các trường đại học cũng có những góp ý với Bộ GD-ĐT về dự thảo và cũng đang chờ đợi quy chế chính thức từ bộ, từ đó sẽ có những điều chỉnh trong các phương án tuyển sinh, xét tuyển nếu cần thiết.
Tuy nhiên theo ông Tiến, nhìn chung các trường đại học vẫn sẽ ưu tiên quyền lợi của thí sinh lên trên hết, giúp các em có sự thuận lợi nhất trong quá trình tuyển sinh, xét tuyển trong năm 2025.